Các Thuật Ngữ Dùng Trong Nghiên Cứu và Ứng Dụng Trị Liệu Tế Bào

Các Thuật Ngữ Dùng Trong Nghiên Cứu và Ứng Dụng Trị Liệu Tế Bào

Các thuật ngữ dùng trong hướng dẫn nghiên cứu ứng dụng tế bào và các sản phẩm từ tế bào tại Việt Nam theo Quyết định số 4259/QĐ-BYT ngày 12/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tế bào (cell): là một đơn vị cấu trúc cơ bản có chức năng sinh học của cơ thể người. Tế bào bao gồm màng tế bào bao quanh nguyên sinh chất, trong đó có nhiều phân tử sinh học như các protein và acid nucleic.

Tế bào sinh dục (reproductive cell hay germ cell): là tế bào có khả năng sinh ra giao tử (tinh trùng hoặc trứng/noãn).

Tế bào sinh dưỡng (somatic cell): là các tế bào không có khả năng tạo thành giao tử, chỉ tham gia vào các chức năng sinh dưỡng của cơ thể.

Tế bào gốc (stem cell): là những tế bào xuất hiện tự nhiên trong cơ thể có khả năng phân chia và biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau.

Tế bào gốc phôi (embryonic stem cells - ESC): là các TBG được phân lập từ khối tế bào bên trong (inner cell mass) của phôi. TBG phôi là các TBG vạn tiềm năng và có khả năng biệt hóa thành hầu như mọi loại tế bào được tìm thấy trong cơ thể con người.

Tế bào gốc sinh dưỡng: Tế bào gốc sinh dưỡng (somatic stem cell) hay tế bào gốc trưởng thành (adult stem cell) là các TBG có khả năng biệt hóa thành các tế bào sinh dưỡng, không có khả năng tạo ra các tế bào sinh dục.

Tế bào gốc tạo máu: Tế bào gốc tạo máu (hematopoietic stem cell - HSC) là một lớp cụ thể của các tế bào gốc đặc hiệu mô, có khả năng tạo ra các tế bào biệt hóa của tất cả các dòng tạo máu.

Tế bào gốc trung mô: Tế bào gốc trung mô (mesenchylmal stem cell - MSC) có nguồn gốc chủ yếu từ chất nền tủy xương hoặc mô mỡ. Ngoài ra, MSC đã được phân lập từ nhiều mô khác, chẳng hạn như võng mạc, gan, biểu mô dạ dày, gân, bao hoạt dịch màng, nhau thai, dây rốn và máu. MSC được xác định dựa trên khả năng bám dính trên nền nuôi cấy, biểu hiện kháng nguyên bề mặt cụ thể và khả năng biệt hóa đa tiềm năng. Chúng là các tế bào gốc giới hạn theo dòng vì chúng có thể biệt hóa thành các dòng tế bào có nguồn gốc trung mô, như là tế bào gốc dòng mô mỡ, mô xương và mô sụn. Trong điều kiện nuôi cấy in vitro thích hợp, MSC có thể biệt hóa thành nguyên bào sợi, tế bào cơ xương, tế bào hình sao và tế bào thần kinh...

Tế bào gốc đặc hiệu mô/ tế bào đầu dòng đặc hiệu mô: là TBG có khả năng biệt hóa hạn chế và thường tạo ra một loại tế bào hoặc một vài loại tế bào dành riêng cho loại mô (ví dụ: nguyên bào sợi, nguyên bào xương, tế bào hình sao).

Các tế bào gốc vạn tiềm năng cảm ứng (iPSC): là các TBG được tạo ra theo hình thức nhân tạo. Chúng được lập trình lại từ các tế bào soma trưởng thành như nguyên bào sợi da, mang các đặc tính gốc tương tự như tế bào gốc phôi như khả năng tự đổi mới và khả năng biệt hóa đa dòng, và cả khả năng tạo u quái (teratomas). Ngày càng có nhiều iPSC được sản xuất từ các loại tế bào trưởng thành khác nhau. Khả năng biệt hóa của các tế bào này dường như là phụ thuộc vào loại và tuổi của các tế bào mà iPSC được lập trình lại.

Tế bào miễn dịch: Tế bào miễn dịch (immune cell) là các tế bào của hệ thống miễn dịch, có chức năng tham gia vào các đáp ứng miễn dịch của cơ thể, bao gồm các tế bào bạch cầu (lympho B, lympho T, tế bào NK; các tế bào bạch cầu nhân đa hình trung tính, ái kiềm, ái toan) hệ các tế bào đơn nhân - đại thực bào, tế bào tua.

Trị liệu tế bào (cell therapy hay cellular therapy): là một liệu pháp điều trị bằng các tế bào sống dưới hình thức tiêm, truyền hoặc cấy ghép vào bệnh nhân để điều trị bệnh.

Trị liệu tế bào gốc (stem cell therapy): là một liệu pháp điều trị bằng các tế bào gốc dưới hình thức tiêm, truyền hoặc cấy ghép vào bệnh nhân để điều trị bệnh.

Trị liệu tế bào miễn dịch (immune/immuno cell therapy): là liệu pháp điều trị dưới hình thức tiêm, truyền các tế bào miễn dịch nhằm mục đích thay đổi khả năng đáp ứng miễn dịch của người bệnh.

Sản phẩm trị liệu tế bào: Sản phẩm trị liệu tế bào (cell hoặc cellular therapy product) là chế phẩm tế bào sinh dưỡng được thu nhận từ một người cho để sử dụng cho mục đích cấy ghép tế bào điều trị bệnh.

Sản phẩm từ tế bào: Sản phẩm trị liệu có nguồn gốc từ tế bào (cellderived therapeutical products) (gọi tắt là sản phẩn từ tế bào) là các sản phẩm trị liệu không chứa tế bào nhưng chứa các hợp chất do tế bào chế tiết ra môi trường nuôi cấy tế bào hoặc các thành phần dưới tế bào thu được sau khi phá vỡ cấu trúc của các tế bào.

Tự thân: Tự thân (autologous) là hình thức sử dụng các tế bào hoặc sản phẩm từ tế bào của cơ thể nào tiêm, truyền, cấy ghép cho cơ thể ấy; trên thực hành lâm sàng là của ai được tiêm, truyền hoặc cấy ghép cho chính người đó.

Đồng loài: Đồng loài hay khác gen đồng loài (allogenic) là hình thức sử dụng các tế bào hoặc sản phẩm từ tế bào của cơ thể này tiêm, truyền, cấy ghép cho cơ thể khác trong cùng một loài; trên thực hành lâm sàng là của người này tiêm, truyền hoặc cấy ghép cho người khác không phải anh/chị em sinh đôi đồng hợp tử, thường được gọi tắt là “dị ghép”.

Đồng gen: Đồng gen (iosogenic) là hình thức sử dụng các tế bào hoặc sản phẩm từ tế bào của cơ thể này tiêm, truyền, cấy ghép cho cơ thể khác có bộ gen giống bộ gen của cơ thể cho; trên thực nghiệm là các động vật trong cùng một dòng thuần chủng, trên thực hành lâm sàng là các anh/chị em sinh đôi đồng hợp tử.

Dị loài: Đồng gen (iosogenic) là hình thức sử dụng các tế bào hoặc sản phẩm từ tế bào của cơ thể này tiêm, truyền, cấy ghép cho cơ thể thuộc loài khác; trên thực nghiệm là từ người hoặc động vật khác loài ghép cho một động vật thực nghiệm; trên thực hành lâm sàng là từ động vật ghép cho người.

Nguy cơ rủi ro là một tác động bất lợi tiềm tàng có thể được quy cho việc sử dụng sản phẩm trị liệu trên lâm sàng và gây lo ngại cho bệnh nhân và / hoặc cho các nhóm dân cư khác

Tài liệu tham khảo:

  1. Hướng dẫn nghiên cứu ứng dụng tế bào và sản phẩm từ tế bào tại Việt Nam. Quyết định số 4259/QĐ-BYT ngày 12/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế