">

Liệu Pháp Tế Bào Miễn Dịch: Hướng Mới Trong Điều Trị Ung Thư

Sản Phẩm & Công Nghệ Mới

Liệu Pháp Tế Bào Miễn Dịch: Hướng Mới Trong Điều Trị Ung Thư


Hiện nay, liệu pháp tế bào miễn dịch (Adoptive cell therapy) đang trở thành xu hướng trong điều trị ung thư, khi khắc phục được những hạn chế của các phương pháp điều trị truyền thống như phẫu thuật, hóa trị và bức xạ. Tế bào miễn dịch là hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể chống lại các tế bào ung thư và virus. Khi phân tử miễn dịch nhận ra tế bào ung thư, chúng sẽ tiến hành tấn công và giết chết chúng. Do đó, liệu pháp tế bào miễn dịch giúp các bệnh nhân ung thư tăng cường sức đề kháng của cơ thể và giải quyết những khó khăn trong quá trình điều trị.

Liệu pháp tế bào miễn dịch có tác dụng làm ngừng hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư.

Liệu pháp tế bào miễn dịch là liệu pháp sử dụng chính các tế bào của hệ thống miễn dịch để tấn công khối u. Trong quá trình hình thành và phát triển của khối u, sự tương tác giữa chúng và hệ thống miễn dịch thường trải qua 3 trạng thái, bao gồm: loại bỏ, cân bằng và trốn thoát.

Ở trạng thái loại bỏ, các khối u đang phát triển sẽ bị hệ thống miễn dịch nhận diện từ đó ức chế sự hình thành mạch máu cũng như tiêu diệt tế bào khối u. Quá trình này thường đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần trong hệ thống miễn dịch như các tế bào tua, đại thực bào tham gia thu thập, xử lý và trình diện kháng nguyên, các tế bào lympho, tế bào tự nhiên tham gia tiêu diệt tế bào ác tính và điều hòa đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, một số tế bào khối u có thể vượt qua được giai đoạn loại bỏ và tiến tới giai đoạn cân bằng, ở trạng thái này, khả năng chống lại các tế bào miễn dịch của các tế bào khối u mạnh mẽ hơn. Đáng chú ý, tùy theo từng điều kiện khác nhau, khối u ở trạng thái cân bằng có thể trở lại trạng thái loại bỏ hoặc chuyển sang giai đoạn trốn thoát. Trong trạng thái trốn thoát, lúc này, các tế bào ung thư đã thoát khỏi sự kiểm soát của hệ thống miễn dịch và được nhân lên, dẫn đến các khối u có thể phát triển nhanh chóng. Trong quá trình này, hệ thống miễn dịch khó nhận diện được các tế bào khối u; các tế bào khối u có thể kháng lại các cuộc tấn công của hệ thống miễn dịch, môi trường khối u gây ra tình trạng ức chế hoạt động của các tế bào miễn dịch... Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch vấn kìm hãm lại một phần sự phát triểu của khối u. Những trạng thái về mối tương tác giữa khối u và hệ thống miễn dịch là nền tảng khoa học quan trọng để các bác sỹ sử dụng những liệu pháp tế bào miễn dịch phù hợp trong điều trị bệnh lý ung thư cho bệnh nhân. 

Nguyên lý chung của liệu pháp tế bào miễn dịch là sử dụng các kỹ thuật nuôi cấy tế bào bên ngoài cơ thể nhằm gia tăng số lượng và khả năng hoạt động của các loại tế bào miễn dịch, sau đó những loại tế bào này sẽ được truyền lại vào cơ thể để tăng cường khả năng chống lại các khối u nhờ hệ thống miễn dịch.

Quy trình này thông thường gồm các bước chính sau:

  1. Thu thập tế bào miễn dịch từ khối u hoặc tổ chức ngoại vi
  2. Nuôi cấy
  3. Tăng sinh
  4. Hoạt hóa hoặc biến đổi các tế bào miễn dịch
  5. Truyền lại cho bệnh nhân. 

Cho tới ngày hôm nay, đã có nhiều liệu pháp sử dụng tế bào miễn dịch được phát triển như tế bào lympho T gây độc (cytotoxic t lymphocyte therapy - CTL therapy), tế bào diệt tự nhiên (natural killer therapy - NK therapy), tế bào gamma-delta T (γδ T cells therapy); tế bào lympho T biến đổi gen biểu hiện thụ thể TCR-T mới (T-cell receptor); tế bào tua (dendritic cell therapy).

Nguồn bài viết | Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)

1 Ludwik Gross (1964), “Attempt at classification of mouse leukemia viruses: mouse leukemia virus type a and the friend virus”, Acta Haematol32(2), pp.81-88.

Một nhóm các phân tử protein hay glycoprotein, được sản xuất bởi các tế bào miễn dịch và các tế bào khác trong cơ thể của con người.

Phân tử MHC Lớp I hiện diện trên bề mặt tế bào của tất cả các tế bào có nhân và là một trong hai lớp chính của phân tử MHC.